Ngày 1 tháng 7, Chính phủ đã ban hành Nghị định 179/2025/NĐ-CP, với nội dụng ‘Quy định về mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng’.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 15 tháng 8, các đối tượng được áp dụng sẽ được hưởng mức hỗ trợ 5.000.000 đồng/tháng. Đáng chú ý, số tiền này sẽ không bị tính vào lương để khấu trừ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Theo Luật An ninh mạng 2018, lực lượng bảo vệ an ninh mạng bao gồm bất cứ ai được huy động tham gia bảo vệ an ninh mạng, dù thuộc biên chế hay không, và có nằm trong các tổ chức của nhà nước hay không.
Nghị định 179 được áp dụng trên quy mô rất rộng, bao gồm toàn bộ những người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng ở các cơ quan của Đảng Cộng sản, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội từ cấp trung ương đến cấp địa phương, và lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
Ngoài ra, công nhân công an và công nhân và viên chức quốc phòng cũng thuộc diện được hỗ trợ. Hiểu một cách đơn giản, thì đây là những người được Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tuyển dụng để tham gia đấu tranh trên không gian mạng, nhưng không mặc sắc phục.
Phần lớn kinh phí để tăng hỗ trợ cho lực lượng này sẽ do ngân sách nhà nước chi trả.
Không rõ bao nhiêu người sẽ được hưởng lợi từ chính sách này, chính phủ chưa từng công bố số người tham gia làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Năm 2017, Bộ Quốc phòng tuyên bố có hơn 10.000 người trong Lực lượng 47, với nhiệm vụ “đấu tranh trên không gian mạng”. Trong khi Bộ Công an và các cơ quan nhà nước, cũng như tổ chức chính trị-xã hội khác chưa từng công bố số lượng người tham gia công việc này.
Trong những năm gần đây, có thông tin cho rằng nhà nước đã huy động cả các công ty tư nhân chuyên về truyền thông, để tham gia vào các nỗ lực tuyên truyền và đấu tranh trên không gian internet.